Nữ quản giáo trẻ ở trại giam "đặc biệt"

Nội dung được lưu trữ tại : Xã hội >> Pháp luật

"Nhiều đối tượng có hoàn cảnh rất đáng thương, phạm tội do bột phát, hoặc do thiếu hiểu biết pháp luật. Khi vào tù gia đình lại chẳng hỏi han thăm nom. Nếu cứ để họ chán nản theo vết trượt dài thì chẳng khác nào để mất đi một con người…"

http://hailahot.com - Chuyên mục Kênh giải trí tổng hợp các tin tức HÀI - LẠ - HOT của Việt Nam và thế giới !
Tin tức hài hước | Chuyện lạ của các ngôi sao hàng đầu thế giới ở các lĩnh vực


 

Đó là những lời tâm sự của Thiếu úy, nữ quản giáo trẻ Nguyễn Thị Hiền với tôi trong lần về công tác tại Trại giam Đắk Tân - Đắk Lắk.
 
Thiếu úy, nữ quản giáo trẻ ở trại giam
Thiếu úy, nữ quản giáo trẻ ở trại giam “đặc biệt” Nguyễn Thị Hiền.

Hiền còn rất trẻ, 24 tuổi và cũng vào nghề chưa đầy 2 năm, nhưng qua những gì tiếp xúc, chia sẻ, tôi nhận thấy ở cô gái này có chút gì đó “nhí nhảnh”, nói không quá là hơi yếu đuối về vẻ bề ngoài nhưng lại chứa đựng bên trong một ý chí thép với những suy nghĩ vô cùng sâu sắc, chín chắn, khác hẳn vẻ bề ngoài đầy tính cách “trẻ con” của mình.

Hiền tâm sự, cô vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống theo ngành Công an. Bố là Đại tá công tác trong trại giam nay đã về hưu, hai anh trai cũng đang phục vụ trong ngành. Hiền nghĩ mình chẳng bao giờ và cũng không bao giờ muốn theo cái nghề này.

Bởi từ nhỏ, Hiền đã phải chứng kiến cảnh người bố của mình vì nhiệm vụ mà phải vắng nhà biền biệt, rồi đến hai anh trai cũng vậy. Nên sau khi tốt nghiệp cấp ba, Hiền quyết định theo đuổi ước mơ làm cô giáo nên đã thi vào ngành Sư phạm Văn của Trường Đại học Đà Lạt.

Sau khi tốt nghiệp, trong một lần theo chân bố vào trại giam chơi và lần đó, Hiền được chứng kiến, tiếp xúc với một số phạm nhân còn trẻ, thấy hoàn cảnh của họ đáng thương hơn là đáng trách. Từ đấy, hình ảnh những phạm nhân ấy cứ luôn ám ảnh trong tâm trí cô. Hiền tự nhủ bản thân mình phải làm một việc gì đó để giúp đỡ những con người lầm lỗi kia. Nghĩ là làm, Hiền đã nộp đơn xin vào làm quản giáo tại Trại giam Đắk Tân đóng trên địa bàn xã Ea Pin, huyện Mđrắk, tỉnh Đắk Lắk (Cục VIII, Bộ Công an).

Đã hơn 2 năm với nghề quản giáo, cô vẫn nhớ như in cái ngày đầu bỡ ngỡ bước chân vào trại. Với Hiền, từ việc học trái ngành cho đến tuổi đời còn rất trẻ nên tất cả công việc trước mắt đều trở nên ngỡ ngàng, lạ lẫm. “Lúc đầu, em cũng gặp rất nhiều khó khăn khi các can phạm thấy em còn quá trẻ, họ không nghe thậm chí có người còn chống đối”, Hiền cười tâm sự.

Dần dần, được các anh chị đồng nghiệp chỉ bảo, Hiền đã chững chạc và biết cách xử lý khi tiếp xúc với can phạm, phạm nhân khó bảo. Cô đã quen với những tiếng la ó, tục tĩu ở buồng tạm giam, hay những chiêu chống đối nhịn ăn, tự tử của họ vì nghĩ quẩn. Vẻ hiền lành của cô khiến những can phạm, phạm nhân ở trại thấy gần gũi.

“Có một điều đặc biệt ở Trại giam Đắk Tân là không quản lý các phạm nhân nữ, hơn 1.500 phạm nhân ở đây đều là nam giới, trong đó có tới 2/3 là phạm nhân đang ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Nên việc tiếp xúc, khuyên bảo họ phải hết sức khôn khéo bởi những người lầm đường lạc lối vào đây thường có tâm lý chán nản, bi quan. Với mình, họ không phải ai cũng xấu. Có người phạm tội do hoàn cảnh khách quan, do bồng bột, thiếu suy nghĩ của tuổi trẻ…”, Hiền tâm sự.

Hiền còn nhớ rất rõ can phạm Lê Nguyễn Minh (18 tuổi, ở xã Nâm Njang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông), lĩnh 6 năm tù vì tội hiếp dâm. Do tuổi trẻ bồng bột, thiếu suy nghĩ nên trong một lần Minh biết em P.T.N.A (16 tuổi, hàng xóm của Minh) đang ở nhà một mình. Minh đã lần sang nhà của A dùng tay túm tóc kéo A vào nhà để thực hiện hành vi đồi bại của mình. Bị mọi người phát hiện, Minh sợ hãi bỏ trốn, sau đó được sự động viên của gia đình, Minh đã được người thân dẫn ra đầu thú tại Công an huyện Đắk Song. Những ngày đầu mới được chuyển vào trại, Minh bị khủng hoảng tinh thần, khóc suốt ngày và xen lẫn sự sợ hãi.

"Đang là một cậu học sinh giỏi của trường bỗng chốc thành kẻ phạm tội, Minh sốc lắm. Nhiều ngày liền, cậu ấy chỉ biết khóc, nhịn ăn uống, không muốn tiếp xúc với ai và đòi tự tử”, nữ quản giáo kể. Ban đầu, Hiền gặng hỏi về chuyện học hành, bạn bè, trường lớp của Minh để tiếp cận.

Khi đã tin tưởng, Minh đã chịu tiếp xúc và chia sẻ với Hiền mọi điều. Và ngày qua ngày, mỗi lần tiếp xúc Hiền lại tâm sự rất nhiều với can phạm giúp can phạm nhận ra được chân lý của cuộc sống, những điều tốt đẹp đang chờ phía trước. Và sau những lần như thế, Minh đã hứa với cô sẽ cố gắng cải tạo thật tốt, để sớm trở về với xã hội, làm lại từ đầu.

Khi được tôi hỏi về tâm niệm của Hiền với nghề quản giáo, cô cho biết: “Với các phạm nhân ai cũng có gia đình, người thân, có tình cảm, do đó với người gánh vác trọng trách như chúng ta cần phải khơi dậy được niềm tin vào cuộc sống, vào sự khoan hồng của pháp luật cho các phạm nhân hiểu để giúp họ cải tạo tốt, hướng đến một cuộc sống mới cũng như giảm đi một phần gánh nặng cho xã hội”

Theo Văn Thành
Công an nhân dân

Từ khóa : quản giáo, trại giam đặc biệt,


Link nguồn copy bài viết : http://hailahot.com/phap-luat-cm128/nu-quan-giao-tre-o-trai-giam-dac-biet-ct575

0 nhận xét: